Giới thiệu sách
Đạo Phật Ngày Nay
Dẹp bỏ tất cả những huyền đàm siêu hình, con người trở về thực tại để giải quyết những vấn đề của thực tại. Cuộc đời đầy những khổ đau. Mũi tên độc khổ đau đang làm cho chúng ta rên xiết, hãy tìm cách nhổ mũi tên đó ra khỏi thân thể của nhân loại. Chúng ta phải ý thức rằng chúng ta đang khổ đau. Ðó là nhận thức căn bản. Làm sao giải quyết vấn đề khổ đau thực tại nếu chúng ta không có ý thức về khổ đau thực tại? Làm sao có thể chữa lành được bệnh khi ta không biết là ta đang có bệnh, hoặc giả biết là bệnh nhưng không rõ là bệnh gì?
Hình bóng của những con người yếu đuối, mắt không dám nhìn thẳng, chân bước ngập ngừng, sợ sệt khổ đau, khúm núm trước quyền lực, cố nhiên không phải là hình bóng của người Tăng sĩ. Hình bóng của người tăng sĩ phải là hình bóng của một Long Thọ, một Huyền Trang, một Vạn Hạnh... đời sống thì đạm bạc, gian khổ, ý chí thì vững chắc như kim cương, đức độ thì khiêm cung, nhẫn nhục, hành nguyện thì rộng lớn như sóng biển. Người xuất gia phải có đôi mắt sáng chiếu niềm tin, chói lòa nghị lực, người xuất gia phải có nụ cười bất diệt khinh thường khổ đau. Có như thế mới biểu lộ chân tướng sáng rỡ của đạo Phật. Mà muốn được như thế, điều thiết yếu trước tiên là nhận thức thực trạng khổ đau, sống trong khổ đau, luyện mình thành sắt thép. Ta có thể chết đuối trong khổ đau, nhưng ta thành Phật cũng nhờ khổ đau. Chính khổ đau, chữa lành khổ đau, và khi đặt vấn đề nhận thức khổ đau làm đệ nhất đế của Tứ Diệu Ðế, Đức Phật quả đã nhận thấy tầm quan trọng của sự thực ấy một cách thâm thiết.
Trích dẫn sách Đạo Phật Ngày Nay
“Đừng biến đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son. Đừng biến Tăng sĩ thành những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng dường thiếu ý thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người. Đừng để người Phật tử hiểu rằng Phật - Pháp - Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu giữa cuộc đời đau khổ. Phải thực hiện tất cả những hình thức sinh hoạt nào có thể chứng minh rằng đạo Phật hiện hữu trong cuộc đời để giải phóng con người”.
Thông tin tác giả Thích Nhất Hạnh
Sinh năm 1926 tại Thừa Thiên - Huế với tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, là một thiền sư, giảng viên, nhà văn với bút danh Nguyễn Lang, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình người Việt Nam. Ông sinh ra ở Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, ông đã sống tại Pháp hơn 40 năm. Ông đã về nước và hiện sống tại Huế kể từ năm 2018.
Thích Nhất Hạnh được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Việt Nam: Hoa sen trong Biển lửa (Vietnam: Lotus in a Sea of Fire) của ông xuất bản năm 1967. Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Ông là người vận động cho phong trào hòa bình, với các giải pháp không bạo lực cho các mâu thuẫn.
Sách Đạo Phật Ngày Nay của tác giả Thích Nhất Hạnh, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark