Giới thiệu sách
Đạo Đức Học (Bìa Cứng)
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Spinoza là Đạo đức học chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời. Quan điểm của ông đối lập với Nhị nguyên tâm trí - cơ thể của Descartes, ngay lập tức đưa ông trở thành một trong những triết gia phương Tây quan trọng nhất. Georg Hegel từng nói "Spinoza là điểm thử thách của triết học hiện đại, tới mức ta cần phải thừa nhận: Hoặc ta theo Spinoza, hoặc ta không phải là triết gia."Thông qua những thành tựu triết học cùng tính cách con người.
Baruch Spinoza hay Benedict Spinoza (1632-1677) là một triết gia lớn người Hà Lan, tạo nên ảnh hưởng đáng kể cho sự phát triển của triết học phương Tây thế kỷ XVII-XVIII. Spinoza có nhiều đóng góp cho sự phát triển của triết học phương Tây trên các phương diện bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học. Ông viết nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó tiêu biểu nhất là Khảo luận về chính trị - thần học (Latin: Tractatus Theologico-Politicus) và tác phẩm đồ sộ Đạo đức học (Latin: Ethica).
Dưới góc độ của bản thể luận và chịu ảnh hưởng bởi thần học, Spinoza vẫn cho rằng Thiên Chúa chính là bản thể (substance), là tồn tại đích thực của thế giới. Nhưng ông không tán đồng với quan niệm của thần học Ki-tô giáo cho rằng Thiên Chúa là một Đấng Sáng thế có trước và tạo tác nên thế giới từ hư vô.
Ngược lại, ông lý giải rằng Thiên Chúa tự đồng nhất chính mình với Tự nhiên, Thiên Chúa chính là toàn bộ Tự nhiên nói chung. Thiên Chúa là nguyên nhân tự thân, nghĩa là Ngài tự vận động và tự biểu hiện chính mình trong vô hạn các sự vật, hiện tượng thuộc về Tự nhiên. Ý chí thần thánh hay quyền năng của Thiên Chúa không tách biệt với Tự nhiên mà phản ánh trong chính những quy luật tự nhiên mang tính tất yếu và tính phổ biến. Với những quan niệm này, thực tế là Spinoza đã phủ nhận Thiên Chúa với vai trò một Đấng Sáng thế, phủ nhận luôn cả sự tồn tại của cõi siêu nhiên, và ông gián tiếp khẳng định rằng Tự nhiên là cái tự thân tồn tại, vĩnh cửu và vận hành theo những quy luật thuộc về chính nó. Tư tưởng đồng nhất Thiên Chúa với Tự nhiên của Spinoza đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý thuyết cho một khuynh hướng tư tưởng triết học - thần học có tầm ảnh hưởng đáng kể: đó là phiếm thần luận (pantheism).
Trên phương diện nhận thức luận và đạo đức học, Spinoza cũng có những quan điểm đáng chú ý. Đối với nhận thức luận, Spinoza nêu lên rằng “một ý niệm đúng thì phải hài hòa với đối tượng của ý niệm đó”, nghĩa là tri thức đúng đắn thì nó phải đúng với đối tượng, phù hợp với đối tượng [khách quan].
Về đạo đức học, Spinoza chủ trương rằng: cảm xúc và lý trí là cơ sở của hành vi đạo đức, nếu chúng ta sống theo sự hướng dẫn của lý trí, thì chúng ta sẽ có những cảm xúc tích cực, những cảm xúc này sẽ thôi thúc chúng ta làm điều tốt và ủng hộ người khác làm điều tốt.
Có thể nói, Spinoza đã để lại dấu ấn của riêng mình trong dòng chảy tư tưởng của nhân loại. Đặc biệt, phiếm thần luận của Spinoza đã được các nhà tư tưởng thế hệ sau tiếp nhận theo những cách khác nhau và vẫn còn tạo nên nhiều cuộc tranh luận trong lĩnh vực thần học và triết học trên thế giới.
Thông tin tác giả Baruch Spinoza
Chào đời trong một cộng đồng Do Thái ở Amsterdam ngày 24.11.1632. Cha mẹ ông là người Do Thái đã cùng đồng bào chạy trốn sự khắc nghiệt tàn bạo của Pháp đình tôn giáo để tìm đến bầu khí tự do còn hạn chế và lưỡng lự ở Hà Lan. Vào thời điểm Spinoza ra đời, những người tị nạn Do Thái đã ổn định ít nhiều ở quê hương mới, ví dụ, họ đã giành được quyền xây một giáo đường. Tuy nhiên, họ vẫn chưa hưởng được sự tự do hoàn toàn và bình yên trong tâm hồn của một dân tộc độc lập và được bảo vệ vững chắc.
Tuy ai đó có thể là một người Do Thái ở Amsterdam, nhưng đó phải là người Do Thái với sự thận trọng đáng kể. Bất cứ gì có thể bị xem là xúc phạm tới giới chức chính trị theo bất cứ kiểu nào đều phải cẩn thận né tránh. Bởi vì, luôn là thế, những nhóm thiểu số được dung chứa đều phải chịu ảnh hưởng lây từ những vi phạm của bất cứ thành viên nào trong cộng đồng của họ. Dân Do Thái ở Amsterdam hiểu rõ điều này. Họ biết rằng bất kỳ lỗi lầm lớn nào của một thành viên trong cộng đồng thường sẽ không được nhà chức trách xem là lỗi của riêng cá nhân đó – một khuyết điểm hoàn toàn nằm trong bản chất của con người; họ biết nó sẽ bị xem như biểu hiện của một đặc điểm xấu xa của cả cộng đồng. Và do đó, cả cộng đồng sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc hơn mà chính cá nhân phạm lỗi lầm có thể không đáng chịu.
Sách Đạo Đức Học (Bìa Cứng) của tác giả Baruch Spinoza, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark