Giới thiệu sách
Đám Đông Cô Đơn
Hơn 60 năm qua, Đám đông cô đơn chưa hề mất đi khả năng bao quát vấn đề chúng ta đang sống như thế nào. Chúng ta là những người “nội tại định hướng” - từ thuở bé đã bản chất hóa những mục tiêu mà người lớn “cấy cho”, hay người “ngoại tại định hướng” - luôn quá nhạy cảm trước những kỳ vọng và ý thích của người khác? Chúng ta có tự do và hạnh phúc hay không?
Lấy bối cảnh nước Mỹ khi chuyển dịch từ xã hội sản xuất sang xã hội tiêu thụ từ đầu đến giữa thế kỷ 20, với sự bùng nổ của giai tầng trung lưu lớp trên, David Riesman đã phân tích sắc sảo và đầy thuyết phục sự biến đổi trong tính cách của họ từ nội tại định hướng sang ngoại tại định hướng, thể hiện trong các lĩnh vực công việc, chính trị, giải trí, truyền thông, giáo dục, gia đình… Và ông đi đến một nhận định đáng giật mình: các kiểu tính cách ấy đều không làm cho con người được tự do, con người luôn bị định hướng dưới hình thức này hoặc hình thức khác, bởi vậy nó luôn mang cảm giác vong thân và cô đơn.
Nhưng đây không phải câu chuyện của riêng nước Mỹ. Đám đông cô đơn là một cuộc giải phẫu xã hội hiện đại cho cả nhân loại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này, trong đó nó chỉ ra những khuyết tật của con người, của xã hội, đồng thời cho thấy những cơ may giúp con người trở nên hạnh phúc.
Và nếu tự do, hạnh phúc con người là mục tiêu hướng đến của mọi quốc gia, mọi xã hội, thì những bài học của Đám đông cô đơn vẫn luôn tươi mới.
Lời khen tặng
“Theo khảo sát năm 1997 của Herbert J. Gans, Đám đông cô đơn tiếp tục là cuốn sách của một nhà xã hội học ăn khách nhất trong lịch sử nước Mỹ: 1,4 triệu bản đã bán hết. Suốt nhiều năm cuốn sách đã làm cho cụm từ “nội tại định hướng” và “ngoại tại định hướng” được dùng phổ biến trong xã hội, trong gia đình, trong các cuộc gặp gỡ và hội họp. Tựa đề Đám đông cô đơn còn được đưa vào bài hát “I shall be released” năm 1967 của ca sĩ Bob Dylan.”
- Todd Gitlin, The New York Times, 2000.
“David Riesman đã hiến dâng cả trí tuệ lẫn tâm hồn mình, dù không được đào tạo chuyên môn. Ông xứng đáng được đọc đi đọc lại, và tấm gương của ông xứng đáng được trân trọng.”
- Todd Gitlin, The New York Times, 2000.
“Đám đông cô đơn được coi là cuốn sách có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Những phân tích của nó về các kiểu tính cách của “tầng lớp trung lưu mới” đã mở ra những chiều kích thú vị trong hiểu biết của chúng ta về các vấn đề tâm lý, chính trị, kinh tế mà mỗi cá nhân trong xã hội Mỹ đương đại đang đối mặt. Đây là một trong những quan điểm sâu sắc và toàn diện nhất về người Mỹ thành thị thế kỷ 20.”
- Tạp chí Commonweal
Về tác giả
David Riesman (1909 - 2002) sinh tại Philadelphia, Mỹ trong một gia đình trí thức giàu có. Ông tốt nghiệp Khoa Luật của Đại học Harvard và trải qua nhiều công việc trong ngành luật nhưng ngay từ đầu, các mối quan tâm của ông đã rộng lớn hơn. Năm 1941 có lẽ là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Riesman khi ông được làm việc với các nhà nghiên cứu thuộc các ngành xã hội học; cộng với sự chín muồi trong các ý tưởng riêng, Riesman quyết định rẽ sang con đường học thuật. Từ năm 1946, Riesman dạy ở khoa xã hội học tại Đại học Chicago. Năm 1948 ông đến Đại học Yale bắt tay vào dự án nghiên cứu đầu tiên của mình, mà kết quả là cuốn Đám đông cô đơn lừng lẫy. Với tác phẩm này, “David Riesman đã hiến dâng cả trí tuệ lẫn tâm hồn mình, dù không được đào tạo chuyên môn. Ông xứng đáng được đọc đi đọc lại, và tấm gương của ông xứng đáng được trân trọng.” (Todd Gitlin, The New York Times, 2000).
Từ 1958, Riesman trở thành giáo sư của Đại học Harvard. Suốt 20 năm, Riesman đã giảng dạy khóa học nổi tiếng “Tính cách Mỹ và cấu trúc xã hội”. Riesman cũng là một nhà hoạt động xã hội tích cực: ông làm cố vấn cho nhóm Vì hòa bình Tocsin của trường Harvard, phụ trách biên tập một tạp chí bình luận chính trị, nhiệt tình tham gia đàm luận về chính trị – xã hội Mỹ và viết nhiều bài phản đối vũ khí hạt nhân.
Sách Đám Đông Cô Đơn của tác giả David Riesman, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark