Đà Lạt Năm Xưa (Lược Khảo)
Nhìn từ phương diện lịch sử quy hoạch các đô thị Việt Nam, thì Đà Lạt là một hiện tượng đô thị đặc biệt. Đó là một đô thị
mang hình mẫu châu Âu trong lòng Việt Nam. Điều này thể hiện qua thiết kế hệ thống giao thông, hình thái kiến trúc, phân
khu chức năng, triết lý bảo tồn cảnh trí tự nhiên và cuối cùng là lối sống cư dân… Đến nay, vẫn còn nhiều khoảng trống để
xây dựng một chân dung hoàn chỉnh của Đà Lạt.
Cuốn sách Đà Lạt năm xưa của Nguyễn Hữu Tranh, một người Đà Lạt viết về thành phố của mình, bằng sự biên khảo tỉ mỉ, cẩn
trọng, đã kết nối các tài liệu hơn một thế kỷ qua để như một nhà xây dựng, tạo nên một khuôn hình tương đối rõ nét về giai
đoạn hình thành và phát triển của Đà Lạt từ cuối TK 19 và nửa đầu TK 20. Sự gọn gàng, mạch lạc của cấu trúc cuốn sách trước
hết là nhờ sự chọn lựa các tài liệu hấp dẫn, từ dạng hồi ký của các nhà khoa học, chính khách Pháp như Gabrielle M. Vassal,
Étienne Tardif hay bác sĩ Alexandre Yersin…, đến các bài vở trên các tờ báo Pháp thời Đông Dương đề cập đến các vấn đề đầu
tư xây dựng Đà Lạt và nhất là các bản đồ, công trình dân tộc học, đồ án quy hoạch thành phố…
Cuốn sách được thực hiện từ đầu thập niên 1990, khi bóng hình Đà Lạt cũ còn tương đối đậm nét và bối cảnh lưu trữ cũng như
truy cập dữ liệu đòi hỏi nhiều nỗ lực và kỹ năng xử lý tài liệu, qua hai thập niên đã chứng tỏ giá trị của nó.
Những nỗ lực này của tác giả, một nhà nông học, đã khiến cho cuốn sách được giới nghiên cứu Đà Lạt tìm đọc, tham khảo như
một cuốn cần thiết trong mọi danh mục tài liệu tham khảo. Sự hiểu biết chuyên môn về thực vật của tác giả cũng khiến cho
cuốn sách có hàm lượng thông tin tin cậy, cũng như hiểu được không gian cảnh sắc trước khi người Pháp thiết lập đô thị theo
hình mẫu phương Tây. Việc chỉ ra rằng nơi đây cũng từng có một nền tảng phong tục riêng rất ý nghĩa trong việc duy trì sự
phát triển bền vững của Đà Lạt, nhất là với người đọc thế kỷ 21. Người giới thiệu bản thảo, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã
nhận định: “Những dữ liệu về môi trường từ cuốn sách này cũng là một nguồn khả tín giúp độc giả có thể so sánh với hiện tại
khi điều kiện xã hội kéo theo triết lý quy hoạch thay đổi, Đà Lạt đang đứng trước mối lo đánh mất ‘mã gien’ của mình.” Trên
hết, cuốn sách chứa đựng tình yêu của một cư dân đối với thành phố xinh đẹp của mình.