Còn Những Bóng Mưa Tan
Nhiều độc giả đã từng thắc mắc nhà văn Từ Kế Tường viết nhiều tác phẩm, vậy tác phẩm nào có hình ảnh tác giả hiện rõ nhất
qua một nhân vật nào đó mang “đậm nét” Từ Kế Tường nhất? Câu hỏi này quả thật rất khó trả lời nên tôi đã mang theo món nợ
của độc giả từng quan tâm tới mình qua một thời gian rất dài, cho đến hôm nay mới có dịp để trả lời. Đó là nhân vật xưng
“tôi” trong CÒN NHỮNG BÓNG MƯA TAN.
Nếu bạn đọc tinh ý sẽ thấy rất ít nếu không muốn nói là hầu như không có tác phẩm nào của Từ Kế Tường nhân vật chính xưng
“tôi” mà chỉ xưng tên, một cái tên nào đó do tác giả đặt mà độc giả nhiều khi cũng nghi vấn rằng phải chăng nhân vật tên
đó, trong tác phẩm này, tác phẩm kia là hiện thân của Từ Kế Tường? Điều này hoàn toàn không, nhân vật là hư cấu. Nếu độc
giả đã nhận thấy rằng nhân vật A, B, C, Đ… nào đó mang hình ảnh của Từ Kế Tường, có lẽ đó là do hư cấu gần giống như sự thật
và truyện dài, tiểu thuyết là hư cấu siêu thực của xã hội, đời sống quanh quẩn đâu đó bên cạnh chúng ta.
Trong tác phẩm này, hai chị em của nhân vật xưng “tôi” có hoàn cảnh khá khắc nghiệt: cha mẹ ly tán, hai chị em ở trọ để
đi học, tự chăm sóc nhau và cùng nuôi ước mơ vượt qua nghịch cảnh để tiến xa hơn sau này khi rời ghế nhà trường. Người chị
lớn hơn em ít tuổi nhưng vẫn là một cô bé và cậu bé lại đôi lúc giống như một người lớn.
Cậu bé bị ám ảnh bởi cuốn sách của một nhà văn lớn tuổi gửi cho một người làm thơ trẻ tuổi về nhận định của mình khi được
người làm thơ trẻ tuổi ấy nhờ nhận xét về thơ mình. Tại sao lại ám ảnh? Vì cậu bé cũng đang tập tễnh làm thơ và sống như
một nhà thơ với tâm lý yếu đuối, hay đau ốm trước thời tiết, thường xuyên lang thang theo dòng suy nghĩ, trí tưởng tượng
của mình, hay giận dỗi và thích thu mình lại trong sự cô độc gần như tự kỷ.
Đó là tâm sinh lý của một cậu bé tuổi mới lớn sống trong hoàn cảnh đặc biệt với đầu óc nhạy cảm thường trực với chung quanh.
Nhưng rất may là cậu bé có người chị và hai cô bạn gái nhỏ tuổi để trò chuyện, để bung ra hết cá tính của mình, chính vì
thế nên cậu bé đỡ bị ức chế, dồn nén với những điều không thật, hư ảo, do đầu óc lãng mạn của cậu tưởng tượng ra. Cậu bé
xưng “tôi” có tố chất của một nhà thơ, nhưng rồi cậu có trở thành nhà thơ sau này hay không thì chính cậu cũng không biết,
tôi cũng không biết.
Tôi chỉ biết rằng khi bắt đầu viết tác phẩm này thì mùa mưa tới, những cơn mưa bắt đầu đổ xuống thành phố với thứ thời tiết
ảm đạm vây quanh lấy không gian, bao phủ cả thời gian của ngôi nhà mà hai chị em cậu bé đang ở trọ để đi học. Nhà trọ không
phải là một căn gác nhỏ, một căn phòng tù túng, ẩm thấp mà có cả không gian thoải mái và một khu vườn nhỏ. Và ở đó đã có
những người bạn nhỏ cho những ngày tháng trôi qua trong những bóng mưa tan. Mưa bao giờ cũng buồn. Nhưng mưa bao giờ cũng
đẹp.
Tôi không muốn nói điều này chút nào: truyện dài, tiểu thuyết ngoài sự giải trí còn mang tính giáo dục, nhất là khi viết
cho tuổi mới lớn. Tôi chỉ muốn nói rằng thấp thoáng đâu đó trong CÒN NHỮNG BÓNG MƯA TAN là thông điệp, giống như một chiếc
vé đi về tuổi thơ, những tháng năm đẹp nhất đời người mà ai đó đã đi qua, đã có thể lãng quên bỗng chợt nhớ lại khi cơn mưa
mùa đổ xuống và thấp thoáng hình bóng một thời tuổi nhỏ của mình ở đó. Tôi cũng vậy.
Còn những bóng mưa tan trong mắt
Để trở về năm tháng ngày xưa
Ta và em – Khoảng trời trong vắt
Với tình yêu thơm nức hương mùa.