Cuộc gặp gỡ từ 40 năm trước tại Bảo tàng Louvre với con gái người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám vẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại với bà.
Trong cuốn sách tiểu sử Hoàng Thị Thế - Con gái Đề Thám và quân bài chính trị của thực dân Pháp do tác giả Claude Gendre viết (Thanh Thư dịch, NXB Hà Nội phát hành năm 2019), bà Hoàng Thị Thế đã kể lại về cuộc gặp gỡ này.
Hoàng Thị Thế là con gái duy nhất của thủ lĩnh chống Pháp Hoàng Hoa Thám và người vợ ba là bà Đặng Thị Nho (hoặc Nhu). Trước khi Hoàng Hoa Thám qua đời, Hoàng Thị Thế đã bị quân Pháp bắt vào tháng 6/1909. Ban đầu, bà được giao cho nhà tư bản Nguyễn Hữu Thu - Chủ tịch Hội đồng tư vấn bản xứ, nuôi dưỡng. Sau đó, bà được Toàn quyền Đông Dương Albert Sarrault đỡ đầu và đến năm 1918 thì sang Pháp du học.
Hình Netabooks.vn
Gendre cho biết, theo cuốn Trường học Pháp ở Đông Dương của tác giả Trịnh Văn Thảo, có hồ sơ xin học bổng của Hoàng Thị Thế cùng cô Hoàng Thị Nga - có thể chính là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ tại Pháp (ở đại học Sorbonne) và sau này trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Khoa học Hà Nội sau năm 1945, cùng công chúa Như Mai, con gái vua Hàm Nghi.
“Có một lần đến giờ bà vẫn chưa quên”, bà Thế kể lại trong sách. “Đó là vào mùa xuân năm 1920. Bà lúc đó chưa đến hai mươi, vừa được đóng một bộ phim ở Pháp, vai phụ thôi, nhưng đã có người hâm mộ, có lẽ do bà đang độ xuân sắc chứ không phải có tài diễn xuất”.
Hôm đó, con gái của “Hùm thiêng Yên Thế” vào thăm Bảo tàng Louvre, thấy đi ngược chiều với mình là một người Việt Nam trạc ba mươi tuổi, dáng cao, gầy, có đôi mắt sáng. Người đó nhìn bà mỉm cười, bà cũng chào đáp lễ. Bỗng người đó nói giọng xứ Nghệ: “Cô Thế ơi, cô có biết cha mẹ cô là ai không?”. Một câu hỏi lạ lùng, sao bà lại không biết cha mẹ mình là ai cơ chứ. Bà chỉ mỉm cười và khẽ gật. Người đó nói tiếp: “Mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi đều khâm phục tinh thần quả cảm, anh dũng của cụ Đề Thám và bà Ba Cẩn (Đặng Thị Nho), thưa cô”. Lúc đó, bà cảm thấy rất tự hào về cha mẹ mình và nhìn người đó khẽ nói: “Cảm ơn! Xin anh cho biết quý danh?”. Người đó nở một nụ cười thân thiện, trả lời: “Tôi là Nguyễn Ái Quốc!”. Và người đó chào, đi ngay. Câu chuyện đã được nhà báo Phạm Quang Đẩu ghi lại trên báo Quân đội nhân dân đầu năm 2013. Tác giả Gendre cho biết, vai diễn chính đầu tiên của Hoàng Thị Thế trong sự nghiệp điện ảnh là trong phim La Lettre (Bức thư) của đạo diễn Louis Marcanton do Paramount sản xuất năm 1930, trong đó bà đóng vai một công chúa Trung Hoa tên là Li-Ti. Sau đó, bà đóng tiếp trong phim La dona bianca của đạo diễn Jack Salvatori. Hoàng Thị Thế được cựu Toàn quyền Đông Dương, Tổng thống Pháp Paul Doumer nhận làm con nuôi. Năm 1932, bà làm đám cưới với ông Robert Bourgès, con trai một gia đình quý tộc ở Bourdeux. Tuy nhiên, đến năm 1940, hai người ly hôn và chính quyền mới của Petain cũng từ cắt nguồn trợ cấp cho bà, nên bà bắt đầu lâm vào tình trạng khó khăn.
Thiệp báo hỷ về lễ cưới của Hoàng Thị Thế, cùng ghi tên hai người cha nuôi của bà là Tổng thống Pháp Paul Doummer và Albert Sarrault, lúc đó là Thượng nghị sĩ. Bên cạnh là cảnh cưới của bà. Ảnh từ sách của Claude Gendre.
Sau khi được chính quyền Việt Nam DCCH mời về nước sinh sống năm 1961, Hoàng Thị Thế đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngay khi bắt đầu trò chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới kỷ niệm gặp gỡ tình cờ giữa họ ở bảo tàng Louvre, mặc dù sự kiện ngắn ngủi này đã xảy ra hơn bốn mươi năm về trước. Chủ tịch cũng động viên Hoàng Thị Thế viết hồi ký và làm sống lại những ký ức về cha mẹ bà.
Cuốn tự truyện mang tên Kỷ niệm thời thơ ấu, đã được bà viết bằng tiếng Pháp từ năm 1963, tuy cách xa tuổi thơ của bà nhưng cũng cho độc giả biết về vai trò người cha, người chồng của Đề Thám. Cuốn sách được NXB Khoa học Xã hội phát hành năm 2017, theo bản dịch của Lê Kỳ Anh.
Tác giả sách tiểu sử Hoàng Thị Thế - Claude Gendre - tuy là một kĩ sư cơ khí, thạc sĩ văn chương nhưng lại là người có nhiều mối duyên nợ với nhân vật Đề Thám. Ông nội của tác giả Claude vốn là lính Pháp từng tham gia trận chiến với nghĩa quân Đề Thám. Một thế kỷ sau, cháu của người lính ấy tìm thấy những ghi chép của ông nội mình, hứng thú với câu chuyện và bắt tay vào việc sưu tầm, tra cứu tài liệu, và hai cuốn tiểu sử về cha con Đề Thám (cùng với cuốn Đề Thám – Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp) là thành quả nghiên cứu đáng trân trọng của Claude Gendre.
Cuốn sách cho biết những bi kịch của cuộc đời Hoàng Thị Thế, khi luôn bị những thế lực lớn nhất của Pháp, từ Tổng thống, Toàn quyền, Thống sứ, Bộ trưởng… thao túng, khiến bà phải đi những con đường mà bà không chọn lựa. Tới khi không còn giá trị lợi dụng về mặt chính trị nữa, thì bà bị ruồng bỏ và lâm vào cảnh khốn quẫn.
Sau khi về nước, người con gái của Đề Thám làm việc tại Thư viện tỉnh Bắc Giang, sau đó chuyển về sống ở Hà Nội và mất năm 1988, thọ 87 tuổi. Bà được an táng tại đồn Phồn Xương năm xưa của cha bà.
Nguồn Zing