TẤT CẢ DANH MỤC

Chung cuộc của giáo dục: Xác định lại giá trị của nhà trường

Cuốn sách ‘Chung cuộc của giáo dục’ được viết trong hoàn cảnh nước Mỹ tìm kiếm những ý tưởng để cải cách giáo dục nhằm vượt qua khủng hoảng học đường.

Chung cuộc của giáo dục (The End of Education) được xuất bản lần đầu vào năm 1995, thời điểm nước Mỹ đang tìm kiếm những ý tưởng để cải cách giáo dục nhằm vượt qua khủng hoảng học đường. Liệu những gì được tác giả viết ra có là nỗi bận tâm của chúng ta, khi nền giáo dục của Việt Nam cũng đang tìm đường “đổi mới căn bản và toàn diện”?

Chung Cuộc Của Giáo Dục - Neil Postman
Cuốn sách 'Chung cuộc của giáo dục' đưa ra những quan niệm về giáo dục, trường học dưới góc độ văn hóa.

Trong khi các tác giả khác tập trung vào khía cạnh công nghệ và kỹ thuật, chẳng hạn: bàn về ưu - nhược điểm của các phương pháp giảng dạy khác nhau, về các tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá (giống như ở Việt Nam, các nhà hoạch định và quản lý giáo dục cứ bàn về giảm tải và thi cử, về phân luồng và hướng nghiệp)... thì Neil Postman vượt qua những vấn đề này. 

Mục tiêu của ông là “xác định lại giá trị của nhà trường” trong cuộc khủng hoảng giáo dục ở Mỹ. Ông muốn thay đổi việc xác định vấn đề học đường chuyển “từ phương tiện đến chung cuộc”. Chung cuộc (end), như ông giải thích, vừa là mục đích (purpose), vừa là hoàn thành (finish). 

Vậy tác giả quan niệm thế nào về mục đích của hoạt động đến trường? Kết thúc lời mở đầu, ông viết: “Ngoài mục đích cao cả và danh dự, việc đi học phải đạt tới sự hoàn thành và chúng ta hoàn thành càng sớm thì càng tốt. Với mục đích như vậy, đi học trở thành một thể chế trung tâm (central institution), qua đó những người trẻ tuổi có thể tìm thấy lý do để tiếp tục tự giáo dục chính họ”.

Neil Postman - một trong những cây bút phê bình xã hội sắc bén nhất đã đưa ra một góc nhìn về cuộc khủng hoảng học đường tại nước Mỹ, bắt nguồn từ việc nó đã thất bại trong việc cung cấp cho học sinh một lý do rõ ràng, thống nhất như đã truyền cảm hứng cho các thế hệ trước. Thay vào đó, trường học hiện nay quảng bá những “vị thần” giả hiệu như thần Lợi ích kinh tế, thần Tiêu dùng, thần Công nghệ hoặc thần Chủ nghĩa ly khai và sắc tộc.

Vậy giải pháp là gì?

“Giáo dục trong trường học, theo nghĩa tốt đẹp nhất, là dạy cách tạo ra một cuộc sống, điều đó khác hẳn với việc dạy cách kiếm sống. Một công việc to lớn như vậy chẳng dễ dàng theo đuổi, vì các chính trị gia hiếm khi nói về nó, vì nền công nghệ thờ ơ với nó và vì nền thương mại coi thường nó” – trích Chung cuộc của giáo dục.

Ngoài chức phận nhà giáo, Neil Postman còn là nhà văn, nhà báo. Ông đã viết 20 cuốn sách và có hơn 200 bài đăng báo hoặc tạp chí. Trong số này có các công trình nghiên cứu về thời thơ ấu (Sự biến mất của tuổi thơ), về tác động của công nghệ đối với con người (Công nghệ - Sự đầu hàng của văn hóa trước công nghệ), về giáo dục (Dạy học như một hoạt động bảo tồn và Dạy học như một hoạt động lật đổ - viết chung với Charles Weinngatner). Là người có tài diễn thuyết, ông đã tập hợp các bài thuyết trình trước công chúng và cho xuất bản cuốn Tự cười đến chết. Sách gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới trẻ đến mức một ca sĩ đã lấy tựa đề của nó đặt tên cho đĩa nhạc của mình.

Điều kỳ lạ là vì Neil Postman không hề sở hữu và sử dụng máy tính, ông viết tay các tác phẩm - nên nhớ đó là thập kỷ 90 của thế kỷ XX ở ngay giữa lòng nước Mỹ (khi người Việt cũng làm quen với máy tính thay cho máy chữ). 

Với những lo ngại sâu sắc về truyền hình, về máy tính và vai trò của công nghệ trong xã hội đương thời, Neil Postman tận dụng phương tiện truyền hình để bày tỏ ý tưởng và tham gia các cuộc phỏng vấn. Ngay trong cuốn sách Chung cuộc của giáo dục cũng có nhiều đoạn đề cập đến những gì hay và không hay xảy ra trên truyền hình.

Hơn ai hết, Neil Postman hiểu sức mạnh của truyền hình và tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của nó đối với con người và xã hội. Cùng với thái độ phê phán, ông không ngừng khẩn khoản chúng ta hãy có câu trả lời tỉnh táo trước câu hỏi: Con người sử dụng công nghệ hay công nghệ sử dụng con người?

Nguồn https://vietnamnet.vn/chung-cuoc-cua-giao-duc-xac-dinh-lai-gia-tri-cua-nha-truong-2170292.html

Những cuốn sách “Giáo Dục - Gia Đình ” cung cấp nhiều kiến thức có giá trị đáp ứng nhu cầu giáo dục của xã hội và chăm sóc gia đình. Xem tại đây

Theo Linh Đan (vietnamnet)

Chung Cuộc Của Giáo Dục

Chung Cuộc Của Giáo Dục

  • Giá bìa: 220.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 176.000 ₫
Mua ngay
 

Hơn 30.000 tựa sách hay

Tuyển chọn bởi NetaBooks.vn

 

Miễn phí giao hàng

Từ 150k ở HCM, từ 300k ở tỉnh thành khác

 

Quà tặng miễn phí

Tặng bookmark, bao sách miễn phí

 

Đổi trả nhanh chóng

Hàng bị lỗi được đổi trả nhanh chóng