Giới thiệu sách
Chân Dung Hồ Biểu Chánh
Cái tên HỒ BIỂU CHÁNH rất quen thuộc đối với độc giả và Uvăn học giới. Quen thuộc vì ông là một tác giả lớn ở miền Nam đã có tác phẩm hành thế từ đầu thế kỷ XX và vẫn tiếp tục sáng tác đều đặn cho đến những ngày cuối cùng của đời ông.
HỒ BIỂU CHÁNH đã đóng góp cho nền văn học nước nhà một sự nghiệp văn chương phong phú và đa diện, gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, thi ca, tuồng hát, biên khảo, báo chí, dịch thuật.
Ông là tiểu thuyết gia đi tiên phong từ buổi bình minh của lịch sử tiểu thuyết Việt Nam và là cây bút sáng giá bậc nhất ở giai đoạn văn học 1913 - 1932 về bộ môn này. Từ 1932, và nhất là từ 1945, trước sự xuất hiện của nhiều nhà văn trẻ trung, mới mẻ và tài hoa, vai trò văn học của ông tuy có lu mờ đi, song tác phẩm ông vẫn còn được rất nhiều độc giả yêu chuộng.
Một khuôn mặt văn nghệ quan trọng như thế mà trước kia TRÚC HÀ đã vô tình hay cố ý bỏ quên khi khảo về sự tiến hóa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết (Nam Phong tạp chí số 175, tháng 8, 1932 và số 176, tháng 9, 1932), DƯƠNG QUẢNG HÀM cũng chẳng nhắc tới khi viết Việt Nam văn học sử yếu (Hà Nội, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1951). Sự thiếu sót đáng tiếc ấy đã được nhiều nhà phê bình văn học và viết văn học sử lưu tâm bổ túc, đáng kể là THIẾU SƠN (Phê bình và cảo luận, Hà Nội, Nam Ký thư quán xuất bản, 1933), VŨ NGỌC PHAN (Nhà văn hiện đại, Hà Nội, Vĩnh Thịnh xuất bản, quyển II, 1951), NGHIÊM TOẢN (Việt Nam văn học sử trích yếu, Sài Gòn, Vĩnh Bảo xuất bản, 1956), PHẠM THẾ NGŨ (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Sài Gòn, Quốc học tùng thư, tập III, 1965), THANH LÃNG (Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Sài Gòn, Trình bày xuất bản, quyển hạ, 1967), BÙI XUÂN BÀO (Le roman vietnamien contemporain, Sài Gòn, Tủ sách Nhân văn Xã hội, 1972)...
Tuy nhiên, từ khi HỒ BIỂU CHÁNH đời cho đến đã mười lăm năm, ngoài những bài báo và những trang văn học sử, hiện vẫn thiếu vắng một công trình biên khảo đầy đủ về thân thế và văn nghiệp của ông. Tất nhiên với khuôn khổ giới hạn của bài báo cũng như với số trang ít ỏi trong các cuốn văn học sử, người ta chỉ có thể phê bình một vài khía cạnh hoặc nhận định tổng quát về tiểu thuyết HỒ BIỂU CHÁNH. Thế nên, trong tập san Văn số tưởng niệm HỒ BIỂU CHÁNH, nhà văn DƯƠNG NGHIỄM MẬU đã bày tỏ sự trông đợi những tác phẩm viết về HỒ BIỂU CHÁNH: “Tôi thấy thật đáng tiếc là mãi cho tới nay, sau một thời gian khá lâu kể từ khi HỒ BIỂU CHÁNH qua đời chúng ta vẫn không có một tác phẩm nào nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của ông một cách đầy đủ, một công việc rất cần thiết giúp cho những người sinh trưởng về sau học ông và dễ dàng tìm đến một thời đại văn chương khi chữ quốc ngữ còn ở trong thời phôi thai. Viết về HỒ BIỂU CHÁNH, trong cuốn Nhà văn hiện đại, VŨ NGỌC PHAN đã viết về ông một vài trang ít ỏi, nó không nói được bao nhiêu về thân thế và sự nghiệp của một người đã đóng góp không nhỏ cho văn học. Tôi trông đợi những nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật, những nhà văn học sử nặng lòng với công nghiệp của tiền nhân sẽ đem đến cho chúng ta những tác phẩm viết về HỒ BIỂU CHÁNH một cách đầy đủ, công phu, xác định vị trí của HỒ BIỂU CHÁNH trong lịch sử văn học thời kỳ văn chương quốc ngữ khởi đầu cuộc hành trình của nó cho có được ngày nay” (“Từ đó đến nay”, tập san Văn số 80 ngày 15-4-1967, trang 67).
Chính sự thiếu vắng những công trình khảo cứu đầy đủ về HỒ BIỂU CHÁNH là nguyên nhân của sự hiểu biết thiếu sót và sai lầm về ông. Chẳng hạn nói tới HỒ BIỂU CHÁNH, nhiều người chỉ biết ông là một nhà tiểu thuyết, họ có ngờ đâu ông còn là nhà thơ, nhà biên khảo, nhà báo; bàn về sự hình thành của tiểu thuyết mới, lắm người vội cho NGUYỄN TRỌNG THUẬT và HOÀNG NGỌC PHÁCH là hai cây bút viết truyện dài đầu tiên, họ không biết rằng cuốn tiểu thuyết đầu tay của HỒ BIỂU CHÁNH đã ra đời trước Quả dưa đỏ và Tố Tâm những hơn mười năm!...
Với cuốn sách đến tay bạn đọc hôm nay, chúng tôi đã lần lượt tìm hiểu thân thế, đời văn nghệ của HỒ BIỂU CHÁNH, nghiên cứu sự nghiệp văn chương của ông về báo chí, biên khảo, thi ca và tiểu thuyết; thẩm định giá trị tiểu thuyết của ông cùng địa vị ông trong văn học sử. Chúng tôi đã xét lại một số vấn đề và đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới liên quan đến HỒ BIỂU CH ÁNH. Nói cách khác, chúng tôi đã cố gắng vẽ nên một “chân dung Hồ BIỂU CHÁNH” từ cuộc đời, tâm hồn đến văn nghiệp sao cho được trung thực và toàn diện.
Đây chỉ là một đóng góp nhỏ vào việc nghiên cứu công nghiệp của tiền nhân, ước mong đáp ứng phần nào sự mong đợi từ lâu của DƯƠNG NGHIỄM MẬU mà chúng tôi nghĩ rằng đó cũng là sự trông đợi chung của tất cả những ai hằng thiết tha với nền văn học nước nhà. Chúng tôi hy vọng rồi ra sẽ có những công trình của các bậc cao minh bổ khuyết để việc tìm hiểu HỒ BIỂU CHÁNH được đầy đủ hơn.
Sau hết, bằng tấm lòng chân thành, chúng tôi xin bày tỏ ở đây sự biết ơn đối với tất cả quý vị, nhất là ông HỒ VĂN KỲ TRÂN, đã giúp đỡ nhiều tài liệu cần thiết cho việc hoàn thành tác phẩm này.
NGUYỄN KHUÊ
Thông tin tác giả Nguyễn Khuê
Sinh năm 1935, tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông từng là Giảng sư trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Giảng sư thỉnh giảng trường Đại học Văn Khoa Cần Thơ, Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn; Giảng viên bộ môn Hán Nôm, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; trưởng bộ môn Hán Nôm, khoa Ngữ văn và Báo chí (nay là khoa Văn học), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
TÁC PHẨM TIÊU BIỂU BIÊN KHẢO DỊCH THUẬT:
- Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông (1970, 2005);
- Chân dung Hồ Biểu Chánh (1974)
- Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập (1994);
- Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (1999, 2000);
- Tuỳ Dương để diễm sử (2010);
- Văn học Hán Nôm ở Gia Định - Sài Gòn (2011);
- Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh (2012);
- Lý luận học Phật giáo (2013);
- THO - Hương trời xa bay (1998)
- Cõi trăm năm (2002)
- Trăm năm là cuộc lãng du (2005)
- Lưng trời còn chút nắng vương (2021
Sách Chân Dung Hồ Biểu Chánh của tác giả Nguyễn Khuê, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark