Cha Và Con
CUỐN SÁCH MỌI NGƯỜI CHA YÊU CON CẦN CÓ
Có lẽ cuốn truyện tranh không lời kinh điển Cha và con và tác giả E. o. plauen vẫn là một câu hỏi, một mối tò mò với nhiều người trong chúng ta. Bạn sẽ không phải chờ đợi lâu đâu, ngay dưới đây, chúng tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện cuộc đời và tác phẩm để đời của người họa sĩ tài năng ấy.
E. o. plauen là bút danh của họa sĩ biếm họa Erich Osher. Bút danh này kết hợp từ chữ cái đầu, cuối của tên ông và quê hương Plauen (Đức). Cuộc đời, sự nghiệp của ông gắn liền với quãng thời gian đau thương, đen tối nhất của nước Đức thời Đảng Quốc xã nắm quyền. Những bức biếm họa chính trị về dân chủ - xã hội của ông trên tờ Vorwärts từ năm 1929 cùng một số tác phẩm về sau bị quy vào tội chống đối chính quyền phát xít. Đơn cử như một bức tranh châm biếm vẽ một người đàn ông đi tiểu vào hình chữ thập ngoặc vào đêm tuyết rơi. Bởi lý do ấy, Osher bị Hiệp hội báo chí Đức tước thẻ hành nghề.
Sau khi Erich Kästner, một người bạn lâu năm, lên tiếng ủng hộ ông, Osher mới có cơ hội làm việc ở tờ Berliner Illustrierte. Tháng 9 năm 1934, phần đầu tiên của Cha và con bắt đầu lên mặt báo dưới bút danh e. o. plauen.
Cha và con là bộ đôi tếu táo, và có những cách riêng thể hiện tình thương yêu riêng biệt khiến độc giả xúc động đến độ phải bật cười. Mỗi câu chuyện được kể trong khoảng ba đến chín khung tranh, xoay quanh những chuyện thường ngày, những phản ứng tự nhiên, những lỗi lầm nho nhỏ, những sự vụng về của cha và con... Tiếng cười trào lộng cứ thế bật ra một cách tự nhiên. Không chỉ đem lại tiếng cười, Cha và con còn đưa lại những bài học cho những người làm cha, làm mẹ. Mỗi đứa trẻ là một thế giới, và với người cha trong cuốn truyện này, ông tôn trọng thế giới riêng của cậu con trai nghịch ngợm.
Những bức họa đơn giản, hàm súc và hài hước đã đưa đến thành công vang dội cho tác phẩm. Nó góp phần đưa đến nguồn vui và niềm hy vọng giữa bầu không khí ngột ngạt của nước Đức lúc bấy giờ. Chỉ một năm sau khi xuất bản, Cha và con đã bán được 90.000 bản. Đó quả thực là con số ấn tượng.
Hình ảnh cha và con nhanh chóng phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông, và ở khía cạnh nào đó đã trở thành một dấu ấn văn hóa Đức. Ở vùng Plauen ngày nay, vẫn còn một bức tượng cha và con nắm tay nhau tung tăng vui vẻ.
Trái ngược với tinh thần và niềm lạc quan trong tác phẩm của mình, cuộc đời Osher đã khép lại hết sức bi thương. Năm 1944, ông bị mật vụ Gestapo bắt giữ. Biết rõ sự tàn nhẫn của Tòa án nhân Volksgerichtshof, Osher đã tự tử vào ngày 5 tháng 4 năm 1944.
Nhiều năm sau khi Osher mất, Cha và con vẫn tiếp tục lan tỏa tầm ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, gợi cảm hứng cho các họa sĩ sau này. Những phác họa không lời và và nhân vật hài hước trong truyện tranh của ông không chỉ đem lại tiếng cười mà còn khiến người đọc lắm lúc tự cười mình, nhắc nhở họ tự soi chiếu bản thân.