"Branding 4.0" là một trong những cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam phân tích chuyên sâu về cách mạng 4.0 và những tác động thực tiễn của nó.
“Cách mạng 4.0” là từ khóa đang xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Với hạt nhân là sự phát triển của công nghệ hiện đại, khi cuộc sống con người gắn liền với Internet và mạng xã hội, tiến trình 4.0 tạo ra những khái niệm mới như “xã hội số hóa” và “cư dân số hóa”.
Hành vi người tiêu dùng đã trở nên khác biệt hoàn toàn so với truyền thống, nên những ai muốn chiếm lĩnh thị trường sẽ buộc phải thấu hiểu và nắm bắt các xu thế mới nhất, không ngừng biến chuyển.
Marketing không nằm ngoài tác động của cuộc cách mạng 4.0. Và xây dựng thương hiệu, một phần thiết yếu của marketing hiện đại, đang có vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, tổ chức, thậm chí là các cá nhân.
Branding 4.0 - một cuốn sách chuyên ngành về marketing và xây dựng thương hiệu, mới đây xuất bản tại Việt Nam, nhằm bổ sung thêm nguồn tham khảo giá trị cho những người đứng đầu các doanh nghiệp, sáng lập viên start-up và các chuyên viên truyền thông, marketing.
Nhưng ngay cả khi không hoạt động trong lĩnh vực này, độc giả quan tâm đến những biến chuyển về tâm lý, hành vi của con người trong kỷ nguyên 4.0 cũng sẽ thấy Branding 4.0 là một tác phẩm đầy sức hút.
Cuốn sách đáp ứng kịp thời nhu cầu của các chủ doanh nghiệp, người làm marketing… trong giai đoạn nhiều biến đổi. Các “cư dân số hóa” đang ngày càng hướng đến chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại mong muốn được kết nối, được thể hiện bản thân mình với người khác.
Chúng ta đa nghi và sàng lọc thông tin cẩn thận hơn, nhưng lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm từ mọi người xung quanh. Chúng ta mong muốn được thấu hiểu, được đáp ứng không chỉ các nhu cầu vật chất mà cả khía cạnh tinh thần. Và rất nhiều, rất nhiều các đặc điểm tính cách mới đã xuất hiện trong kỷ nguyên số hóa này.
Khi thấu hiểu thói quen, tâm lý của những “cư dân số hóa” – đối tượng khách hàng đang chiếm chủ yếu thị phần và ngày càng gia tăng về số lượng hiện nay, người đọc Branding 4.0 có thể chủ động định hướng chiến lược tiếp thị và xây dựng thương hiệu đúng đắn.
Đối với thắc mắc thường gặp: “Doanh nghiệp có nên đầu tư vào xây dựng thương hiệu hay không, và đầu tư như thế nào cho hợp lý?”, cuốn sách sẽ giải đáp bằng cách phân tích tầm quan trọng của thương hiệu trong kỷ nguyên Marketing 4.0 và nêu ra những nguyên tắc để thương hiệu của bạn trở nên nổi bật, dễ nhớ và khó quên trong tâm trí người dùng.
Cách mạng 4.0 đang là động lực phát triển mang tính toàn cầu. Và Branding 4.0, với sự chỉn chu trong việc cung cấp thông tin đa chiều, tỉ mỉ và sử dụng hệ thống hình ảnh, sơ đồ giàu trực quan xuyên suốt, sẽ là cố vấn đáng tin cậy của các độc giả trong xã hội số hóa.
Giáo sư Philip Kotler, “cha đẻ” của marketing hiện đại, tác giả của những cuốn sách được xem như “kinh thánh” trong ngành đã không tiếc lời khen ngợi: “Branding 4.0 giới thiệu một cách cập nhật vai trò và sức mạnh của thương hiệu, nhằm cải thiện cuộc sống của người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất. Cuốn sách giàu ý tưởng và minh họa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi khoa học nghệ thuật về thương hiệu”.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, tiến sĩ Suvit Maesincee cũng đánh giá cao tác phẩm mang tính tiên phong này: “Branding 4.0 là một cuốn sách về kinh doanh quan trọng, sẽ giúp bạn hiểu vai trò của thương hiệu từ một khía cạnh hoàn toàn khác trong thế giới số. Bắt nguồn từ kinh tế vĩ mô; tiếp thị, quảng cáo, cùng với mối quan hệ giữa thương hiệu và người tiêu dùng là những yếu tố thực tế giúp cho thương hiệu có thể thành công”.
Tác giả Branding 4.0 – Piyachart Isarabhakdee là CEO của tập đoàn BRANDi, chuyên về tư vấn và hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức đến từ các lĩnh vực khác nhau.
Nguồn https://zingnews.vn/cach-xay-dung-thuong-hieu-trong-ky-nguyen-40-post783342.html
Những cuốn sách “Kinh Tế - Kỹ Năng” hay là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những doanh nhân, nhà khởi nghiệp hay những bạn trẻ có hoài bão, khát vọng lớn. Xem tại đây
Theo Dương Khuê (zing)