Giới thiệu sách
Binh Thư Yếu Lược (Bản đẹp)
BINH THƯ YẾU LƯỢC là một trong hai tác phẩm chính của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng lừng danh trong lịch sử Việt Nam cũng như thế giới. Tác phẩm kia của ông - Vạn Kiếp tông bí truyền thư - đã thất lạc. Người ta biết đến Vạn Kiếp tông bí truyền thư nhờ sự tồn tại của lời bạt mà Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đã viết cho cuốn sách đó. Sau này, có một số người ngờ rằng, Binh thư yếu lược chính là Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Xin hãy tạm kể điều đó ở đây như một sự tồn nghi.
Hơn nữa, văn bản của cuốn sách truyền đến nay, vẫn chưa có một sự khẳng định và bảo đảm nào chắc chắn là của Hưng Đạo vương. Dù có mạnh dạn nhất, cũng chỉ có thể coi rằng văn bản này đã được tu chỉnh nhiều so với nguyên gốc Binh thư yếu lược. Lạ lùng hơn, hiện vẫn đang song song tồn tại cùng lúc hai bản dịch của hai nhóm dịch khác nhau. Đó là bản dịch của nhóm dịch giả Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đỗ Mộng Khương, do Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính (NXB KHXH 1970) - từ đây xin gọi là "Bản KHXH". Và bản dịch của nhóm dịch giả Nguyễn Phước Hải, Mã Xuân Lương và Lê Xuân Mai (Nhà sách Khai Trí - 1970) - từ đây xin gọi là "Bản Khai Trí".
Bản KHXH căn cứ trên cơ sở văn bản chữ Hán lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội; các dịch giả và người hiệu đính qua phân tích nhận thấy văn bản lưu trữ này do người sau tu chỉnh, chính xác là trích khá nhiều đoạn trong tác phẩm Hổ trướng khu cơ của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ - một vị tướng tài xuất hiện trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh. Vì thế, nhóm dịch và hiệu đính đã chủ động cắt bỏ những đoạn trích này và đưa toàn bộ nội dung của Hổ trướng khu cơ ra in ở sau, coi như phần hai của bản KHXH. Bên cạnh đó, do đặc thù của giai đoạn này, trong quá trình dịch, các dịch giả đã lược bỏ những đoạn được coi là "mang tính chất mê tín". Đó là một điều hết sức đáng tiếc, bởi chính những đoạn bị cắt mới tạo ra cảm giác thuyết phục với không ít người rằng đây là tác phẩm của Đức Thánh Trần - một vị Thánh nhiều phép thuật và quyền năng trong tín ngưỡng Việt!
Bản KHXH gồm có các phần chính sau:
- Lời giới thiệu của GS Văn Tân
- Tiểu sử Trần Quốc Tuấn
- Tiểu sử Đào Duy Từ
- Thuyết minh về bản dịch của GS Đào Duy Anh
- Văn bản Binh thư yếu lược (gồm 4 quyển)
- Văn bản Hổ trướng khu cơ (gồm 3 quyển)
Bản Khai Trí có một vị trong nhóm dịch giả là Lê Xuân Mai, được biết đến với khá nhiều bản dịch binh pháp Trung Hoa như Tôn Tử binh pháp, Ngô Tử binh pháp, Tư Mã binh pháp, Khổng Minh binh pháp... Thực ra, bản Khai Trí do Lê Xuân Mai dịch là chính. Hai vị Mã Nguyên Lương và Nguyễn Phước Hải chủ yếu đóng vai trò cố vấn và hiệu đính. Không như tất cả các bản dịch binh pháp khác của Lê Xuân Mai và đồng sự thường được in song ngữ Việt - Hán; bản Khai Trí chỉ in song ngữ cho phần phụ lục: bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Hưng Đạo vương. Sách hầu như không có chú thích. Khác hoàn toàn với bản KHXH vẫn giới thiệu phần tu chỉnh của hậu thế cũng như in trọn vẹn Hổ trướng khu cơ để tham khảo; nhóm dịch giả bản Khai Trí loại bỏ trọn vẹn phần đó. Bởi vậy, bản Khai Trí khá mỏng, dù được trình bày rất thoáng và có bổ sung các phụ lục như Phổ hệ nhà Trần, bài Hịch tướng sĩ...
Bản Khai Trí gồm có các phần chính sau:
- Lời nói đầu
- Phổ hệ nhà Trần
- Tiểu sử và đức độ của Vương Hưng Đạo
- Bài Hịch răn dạy các tỳ tướng
- Văn bản Binh thư yếu lược Cuốn thứ nhất
Như vậy, phần nội dung chính của bản Khai Trí (Văn bản Binh thư yếu lược Cuốn thứ nhất) tương đương với Quyển I trong số 4 quyển trong Văn bản Binh thư yếu lược của bản KHXH. Điều khác biệt lớn nhất, đó là bản Khai Trí dịch đầy đủ phần "được cho là mê tín" và bị cắt bỏ trong bản KHXH.
Có thể nói, để có được một cái nhìn toàn diện hơn về Binh thư yếu lược (dù cho đã là bản được hậu thế tu chỉnh), tốt nhất người đọc nên tiếp xúc với cả hai bản dịch ở tình trạng trọn vẹn.
Vì vậy, trong lần tái bản này, chúng tôi giới thiệu trọn vẹn cả hai bản dịch, hi vọng sẽ là một cuốn sách tốt để đọc, một tài liệu để tham khảo và ngẫm ngợi - và trong chừng mực nào đó, cũng có thể dùng để nghiên cứu.
Thông tin tác giả Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Là vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Ông là con của An Sinh Vương Trần Liễu, là hiền thần đã phò tá trải bốn đời vua. Trần Quốc Tuấn không chỉ lưu danh sử sách nhờ sự tích dẹp bỏ "thù nhà" dốc lòng báo đền "nợ nước" mà đồng thời là người góp công lớn ba lần đánh bại quân Nguyên. Ông còn là tác giả của hai bộ binh thư và đặc biệt bài “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” hay còn được gọi là "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. Sau khi ông mất, vua phong ông tước Hưng Đạo đại vương. Nhân dân lập đền thờ ông ở khắp nơi trên mọi miền đất nước.
Sách Binh Thư Yếu Lược (Bản đẹp) của tác giả Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark