Biển Cỏ Miền Tây Và Hình Bóng Cũ
Từ thập niên 1950, Sơn Nam được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng của văn chương Nam bộ. Ông không những là một nhà văn, mà còn được đánh giá cao như một nhà Nam bộ học, một nhà văn hoá. Thế giới văn chương muôn màu muôn vẻ, nhưng trong lòng bạn đọc vẫn giữ lại chân dung thuần hậu của Sơn Nam - một nhà văn Nam Bộ với tính cách đặc biệt Nam Bộ. Ông không giống ai, đi theo con đường mà mình đã chọn: quay về cội nguồn văn hoá dân tộc, với văn hoá Nam Bộ bằng lối văn mộc mạc, bằng chữ nghĩa giản dị gần gũi.
Đọc Biển cỏ miền tây và hình bóng cũ càng thấm thía dư vị chân chất, mộc mạc nhưng rất đỗi thân thương của đất và người Nam Bộ. Tưởng tượng là dân Nam Bộ thì vỗ đùi đánh đét mà khen. Dân Bắc Bộ, Trung Bộ thì tò mò, thèm thuồng được một lần Hành phương Nam, mà nhâm nhi, mà tận hưởng cái bao la hồn hậu của đất và người Nam Bộ. Đây cũng là một trong những tập sách của nhà văn Sơn Nam được in rất trang trọng.
Thông tin tác giả Sơn Nam
Sơn Nam (1926 - 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng. Ông tên thật là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).
Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam).
Sáng tác đầu tiên của Sơn Nam lại là tập thơ mang tựa đề Lúa reo(1948), tiếp sau đó là hai truyện ngắn Bên rừng Cù Lao Dung và Tây đầu đỏ. Nhưng, cái tên Sơn Nam bắt đầu được người ta nhớ nhất qua Hương rừng Cà Mau (1962), tiếp sau đó là một loạt các tác phẩm: Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Vạch một chân trời (1968), Hai cõi U Minh, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa hòn… Tất cả những sáng tác ấy đến với độc giả một cách dễ dàng bởi ngôn từ bình dị, mộc mạc và thông qua đó người ta hiểu thêm về cách ứng xử của con người đồng bằng.
Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", "ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Toàn bộ các sáng tác của ông được Nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền. Ông qua đời ngày 13 tháng 08 năm2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.