Xuất phát từ quan điểm triết học của Plato coi tất cả những gì ta nhìn thấy đều chỉ là bóng đổ của hiện thực - Susan Sontag đã tìm hiểu vai trò, ý nghĩa và tác động của hình ảnh do con người sáng tạo ra, từ hội họa cho đến khi xuất hiện những hình ảnh do máy chụp ảnh và quay phim làm ra mà bà gọi là "photographic images" - hình ảnh nhiếp ảnh. Sontag nhận ra một điều cực kỳ quan trọng, rằng khác hẳn với những hình ảnh do con người tạo ra bằng thủ công, như hội họa, có bản chất diễn giải hiện thực, những hình ảnh nhiếp ảnh - từ ảnh chụp cho đến phim điện ảnh, truyền hình và video ở đủ mọi định dạng - là những dấu vết và tiêu bản vật chất của hiện thực, tạo nên bởi những quy luật vật lý của thế giới khách quan.
Bản chất hiện thực ấy của nhiếp ảnh đã tạo nên một hiện thực khác song hành với hiện thực tự nhiên, và ngày càng lấn át hiện thực tự nhiên, khiến cho chúng ta ngày càng thích sống trong cái "thế giới hình ảnh" do chính mình tạo nên ấy, mất dần liên lạc với hiện thực tự nhiên, trở nên xa lạ với hiện thực tự nhiên. Hệ lụy của "thế giới hình ảnh" gắn liền với những hệ lụy của tiến trình dân chủ trong xã hội công nghiệp hóa phát triển mà Sontag gọi là "vô cơ" (inorganic), "tư bản" (capitalist) và "tiêu thụ" (consumerist).
Thông tin tác giả Susan Sontag
SInh (1933-2004) là một nhà văn, nhà làm phim, triết gia, giáo viên và nhà hoạt động chính trị người Mĩ. Bà tích cực đi đến và viết về các khu vực xung đột, bao gồm cả Chiến tranh Việt Nam; về nhiếp ảnh, văn hóa, truyền thông, AIDS và bệnh tật, nhân quyền, và hệ tư tưởng cánh tả. Các tiểu luận của bà đã thu hút nhiều sự quan tâm và bà được mô tả là “một trong những nhà phê bình có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của mình”.
Bà là tác giả của bốn cuốn tiểu thuyết, trong đó In America đã giành được Giải thưởng Sách quốc gia (Mĩ) năm 2000 cho thể loại tiểu thuyết; một số vở kịch và chín tiểu luận, trong đó On Photography (Bàn về nhiếp ảnh) đã giành được Giải thưởng của Hội Nhà phê bình Sách Quốc gia (Mĩ). Năm 2001, Sontag được nhận giải Jerusalem.