Giới thiệu sách
Ba Ngày Chiến Trận Ở Xứ An Nam
Tại miền Nam nước Pháp, bà Phan Hồng Hạnh đã tình cờ tiếp cận tập sách nhỏ Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam, tác giả là ông Pierre Loti. Sau khi đọc, bà rất xúc động và quyết định phải dịch tập sách này ra tiếng Việt với mục đích là để những người đã hy sinh cho đất nước Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên. Một cuộc gặp gỡ lạ thường giữa một người phụ nữ Việt Nam với một tác giả Pháp, người đã viết lại những sự kiện tàn bạo này cách đây có đến 140 năm trên vịnh Tourane (nay là thành phố Đà Nẵng, quê hương của dịch giả).
Qua những trang đầu, chúng ta bị chấn động bởi giọng điệu lạnh lùng của ông quan hai trong một hạm đội, ông đã mô tả cách tổ chức cuộc đổ bộ một cách rất quy củ. Thôi thì tính lạnh lùng của một quân nhân chúng ta có thể cho qua được. Nhưng tiếp theo, sự lạnh lùng đó đã làm cho chúng ta ít nhiều khó chịu khi ông Pierre Loti đã tả trận đánh như một vở kịch. Ông viết: “Chúng tôi có được đặc ân ngồi ở vị trí ưu thế để theo dõi tất cả diễn biến của cuộc tấn công…”.
Nhưng, hy vọng lại hé mở khi giọng điệu chính xác, tỉ mỉ, lạnh lùng để mô tả sức tàn phá của cuộc tấn công “Người ta chém giết gần như với một niềm vui,…” đã biến mất một cách nhanh chóng. Vài dòng tiếp theo, may thay, ông đã thêm: “Tất cả những sự kiện đó đã diễn ra rất nhanh, quá nhanh, chỉ trong vòng vài giây, bây giờ từ từ diễn lại với đầy đủ những chi tiết tàn bạo…”.
Thật khó sống khi phải lâm vào tình thế lưỡng nan: một bên là phải hoàn thành “tốt đẹp” một sứ mệnh tàn khốc, và một bên là sự hối tiếc vì đã phải thi hành sứ mệnh đó, điều này lại càng khó chấp nhận hơn. Pierre Loti đã viết: “Họ [những người lính thủy] trở lại là chính mình, tất cả đều lợm giọng không hiểu sao mình có thể tàn bạo đến thế.”.
Nhưng luật lệ của chiến tranh là không thương xót, là khốc liệt, mang toàn thú tính, chúng luôn luôn tìm ra được lý lẽ để biện minh cho những gì không thể biện minh được. Ông viết: “khi chỉ mang một nhóm lính nhỏ đến chinh phục một xứ sở bao la, (...) phải tàn sát thật nhiều, gieo rắc thật nhiều hãi hùng, nếu không thì chính mình sẽ bị triệt hạ”.
Tiếng rên rỉ không dứt của những người Việt mà tác giả đã ghi lại bằng những tiếng “Han! Han!” đã ám ảnh lương tâm ông, và làm cho chúng ta [người Pháp] không ngừng nghĩ đến nỗi đau mà người Việt lúc bấy giờ đã trải qua. Lời chứng này đã làm cho người ta cảm nhận rõ rệt về một cuộc chiến tranh đồng thời cũng làm cho người ta cảm thấy day dứt, thế nhưng, trong bối cảnh ngày nay, nó cho phép chúng ta nhìn lại những thương tổn, mất mát của người Việt Nam trong một trận chiến lịch sử, để nó không bị rơi vào quên lãng.
Sự so sánh của bất cứ cuộc chiến nào cũng đều giống nhau (…) “thời đại đã đổi thay, ngôn ngữ cũng đổi thay, nhưng sự việc chính nó vẫn là như thế”, Pierre Loti đã nhấn mạnh điều ấy. Và chính thế, chúng ta phải đồng ý với ông thôi.
- Giáo sư, nhà văn Francy Brethenoux-Seguin
Lời nói đầu
Năm 1883, Louis Marie Julien Viaud, tức là Pierre Loti, 33 tuổi, là đại úy hải quân và tác giả của nhiều tiểu thuyết kể những câu chuyện của các xứ xa xôi như là: Aziyadé, Le mariage de Loti (Đám cưới của Loti), Le Roman d’un spahi (Tiểu thuyết của một chàng kỵ binh), được nhiều người ưa chuộng. Thời điểm này, ông đang viết cuốn tiểu thuyết Pêcheur d’Islande (Ngư phủ xứ Islande), cùng lúc ông lên tuần dương hạm Atalante dưới trướng tướng Jules Ferry, sang xứ Bắc Kỳ để dẹp yên các cuộc nổi dậy của dân bản xứ. Ông gởi về cho tòa báo Figaro ba bài tường thuật về cuộc tấn công chiếm cửa biển Thuận An và trận đánh bom thành phố Huế. Những bài tường thuật quá chân thực và sống động làm cho phe cánh hữu của Quốc hội Pháp nổi giận và chỉ trích ông đã dám mô tả những thủy thủ Pháp như là những tên sát nhân khát máu. Loti thất vọng, ông bị bộ tư lệnh hải quân triệu về Pháp.
Ông viết thư cho Daudet[1]: “Tôi chẳng biết họ sẽ xử tôi ra sao, nhưng có một điều bất công đáng phẫn nộ là họ buộc tội tôi đã mô tả những thủy thủ đáng thương của chúng ta như bọn người man rợ. Những người ở Paris đã gởi những thủy thủ qua đây để thảm sát, họ là những đứa con của xứ Bretagne can đảm trăm, nghìn lần hơn các ngài, những người lúc nào cũng sống trong hoan lạc, thế mà các ngài lại gởi họ đi viễn chinh ở xứ Bắc Kỳ này, rồi các ngài lại cảm thấy lợm giọng, nhao nhác như gà phải cáo… khi người ta kể cho các ngài biết sự tình đã xảy ra thế nào”.
Ông đã thoát nạn nhờ vào tình bạn của bà Adam với ông Jules Ferry. Bà Adam là giám đốc nhà xuất bản đã xuất bản những tác phẩm của ông.
Giai đoạn xót xa này vẫn còn hằn sâu trong tim ông. Vào năm 1897, ông đăng ba bài trên nhật báo Le Figaro trong văn tập mang tên: Những khuôn mặt và những sự việc đã xảy ra, tạp chí bị buộc phải đình bản vì bài phóng sự về cuộc đánh chiếm thành phố Huế, cuối cùng văn tập cũng được in nhờ ông đã cắt bỏ những chi tiết nghịch tai, xém làm ông phải vạ. Tập sách xuất bản lần này là nguyên bản, không phải bản đã bị kiểm duyệt.
Vào năm 1919, ba mươi năm sau, ông có nhắc lại sự kiện này trong hồi ký Prime Jeunesse (Tuổi thanh xuân): “Cuộc viễn chinh điên cuồng và tai hại qua xứ Bắc Kỳ được một trong những nhà cầm quyền tồi tệ nhất của chúng ta ra lệnh, họ gởi qua đó, nhằm một mục đích xấu xa, hàng nghìn đứa con của nước Pháp để rồi những đứa con đó không bao giờ được trở về quê hương”.
Tuy nhiên, xuyên suốt tác phẩm Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam, ông không hề đặt câu hỏi về tính chính nghĩa của cuộc viễn chinh mang màu sắc thực dân này. Và nếu ông có tỏ ra thương hại những người An Nam bị đọa đày, thì đó đơn thuần là tình thương dành cho kẻ yếu thế. Nhưng không, dưới mắt chính quyền lúc đó, việc làm của ông Loti không mang tính chính trị đối lập. Hành động đó chỉ là lầm lỗi của một bộ óc thực tế, trong quá trình tìm kiếm sự chân thực của những sự việc, nơi chốn, thời gian, là kết quả của những trăn trở về sự thật. Ông đã tự giới hạn mình trong những sự việc đã chứng kiến. Hoàn toàn không bình đến phạm trù đạo đức, và kiên định một thái độ khách quan; đó là hai tính cách đáng ngạc nhiên. Nhưng rắc rối là người ta chờ đợi ông sáng tác ra những câu chuyện hào hiệp, kích động lòng yêu nước, và nhằm mục đích khai hóa, còn phần tàn bạo phải dành cho phía quân thù.
Kể từ khi chiếm thành phố Alger vào năm 1830, và đặc biệt là từ Đệ nhị đế chế[2], thế kỷ XIX là thời kỳ đỉnh cao trong công cuộc xâm lược các nước khác của Pháp: năm 1853 thôn tính Nouvelle-Calédonie; năm 1854 chinh phạt Sénégal; năm 1857 chiếm Kabylie; năm 1858 đổ bộ vào cửa biển Đà Nẵng, xứ An Nam (miền Trung Việt Nam), và đổ bộ vào Liban; năm 1859 đánh chiếm Sài Gòn; năm 1862 chiếm Nam Kỳ (Nam Việt Nam) và biến nơi đây thành thuộc địa Pháp vào năm 1867; năm 1880 tấn công Sudan (thôn tính nước này vào năm 1890); năm 1883 biến Gabon thành thuộc địa, tấn công Congo (chiếm lĩnh hoàn toàn vào năm 1886) và Madagascar (chiếm lĩnh hoàn toàn vào năm 1896) đồng thời chiếm Huế, thành lập chế độ bảo hộ An Nam và Tonkin - Bắc Kỳ; năm 1887 thiết lập khối Đông Dương (Việt Nam, Cao Miên và Lào, bắt đầu từ năm 1893); năm 1891 chiếm cứ Niger; năm 1894 đánh chiếm Tombouctou; năm 1897 chinh phạt Tchad; 1899 chinh phạt Haute-Volta...
Phải chăng ở đây chỉ nói đến nước Pháp trong một cuộc “hòa tấu” của các cường quốc Âu châu.
Á châu, Phi châu là thiên đường để bành trướng thuộc địa của các đế quốc. Nhưng người ta chưa bao giờ đề cập đến chiến tranh và những hậu quả tàn khốc của nó. Âu châu đã “khai hóa văn minh” cho phần còn lại của thế giới. Ý niệm đó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Chỉ thay đổi một chi tiết: ngày nay “văn minh” đã được thay thế bằng “dân chủ”.
[1] Daudet là một văn hào người Pháp sống cùng thời với ông Piere Loti.
[2] Second Impire : Napoléon III (1852-1870).
Sách Ba Ngày Chiến Trận Ở Xứ An Nam của tác giả Pierre Loti, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark