"Bạn không ngừng cố gắng làm cho mình bị thất nghiệp. Bạn không nên làm một việc gì đó lặp đi lặp lại, hết ngày này qua ngày khác. Một khi bạn làm một việc như vậy thì bạn cần tìm cách để sáng tạo và đơn giản hóa việc đó", Jeff Bezos.
Đó là lời khuyên tỷ phú Jeff Bezos dành cho nhân viên tại Amazon và cũng là mục tiêu ông hướng tới: Những "ngày đầu tiên" nhưng sáng tạo. Để có góc nhìn toàn diện hơn về sự phát triển của thế giới công nghệ, hãy cùng lắng nghe câu chuyện được tác giả Alex Kantrowitz kể thông qua Always Day One (tạm dịch: Luôn là ngày đầu tiên)
Xây dựng một nền văn hóa thành công
Kantrowitz đề cao văn hóa làm việc. Các tổ chức, công ty, hay doanh nghiệp giống như những xã hội thu nhỏ. Việc doanh nghiệp có tỏa sáng và đứng vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào phương cách lãnh đạo và sự tương tác giữa những "công dân" trong doanh nghiệp ấy. Vậy, tại sao văn hóa tại nơi làm việc lại đóng vai trò quan trọng?
Trước tiên, hãy nhìn vào nền "văn hóa hoàn thiện" của Apple. Tại Apple, việc phát triển sản phẩm diễn ra trong bí mật. Nhân viên ở bộ phận này sẽ không biết được quá trình hay kế hoạch làm việc của bộ phận khác. Phương cách làm việc này là một con dao hai lưỡi, từng giúp Apple tỏa sáng một thời, nhưng giờ lại làm Apple đứng trước nguy cơ bị chôn vùi giữa vũ trụ công nghệ ngày càng đa dạng.
Sự thất vọng từ chiếc HomePod chẳng-khác-gì-Siri-dạng-loa cũng như tương lai không mấy tươi sáng của ô tô tự lái Apple Car có thể khiến công ty này trượt khỏi đường đua bất cứ lúc nào, nếu Apple cứ khăng khăng giữ cách làm việc độc lập và thiếu giao tiếp giữa các bộ phận.
Vậy, chúng ta có gì trong nền văn hóa của những gã khổng lồ? Nổi bật nhất có thể kể đến nền văn hóa sáng tạo của Jeff Bezos tại Amazon, nền văn hóa phản hồi của Mark Zuckerberg tại Facebook và nền văn hóa hợp tác của Sundar Pichai tại Google.
Amazon có những bản đề xuất ý tưởng đến từ nhân viên của tất cả cấp bậc, và những ý tưởng này luôn được lắng nghe và có cơ hội được biến thành hiện thực. Tại Facebook, bạn luôn nhận được những phản hồi chân thành, đồng thời phản hồi của bạn cũng sẽ được nghiêm túc cân nhắc. Ở Google, ta dễ dàng thấy được sự liên kết chặt chẽ và tinh thần hợp tác mạnh mẽ. Cụ thể, chúng ta có thể lưu, chia sẻ và chỉnh sửa Google Docs, Spreadsheets hay Slides từ Drive, và Drive sẽ gợi ý khéo léo về những tài liệu mà ta có thể cần. Và Google Assistant sẽ giúp bạn làm những việc này chỉ với giọng nói.
Chú trọng vào tương tác đa chiều, đẩy mạnh hợp tác giữa các bộ phận và các cấp bậc, luôn làm mới mình, để mỗi ngày đều là một "ngày đầu tiên", chính là vũ khí giúp các công ty lớn đứng vững trên đỉnh cao.
Tác giả Alex Kantrowitz và cách tiếp cận trực tiếp
Always Day One không phải một quyển self-help thường thấy, Kantrowitz đã không "giải mã" công thức thành công theo nghĩa đen, thay vào đó, ông tiếp cận những ngôi sao của các công ty công nghệ ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Ông không ngần ngại nêu lên quan điểm, nhận xét của bản thân về các khuyết điểm mà một số công ty có thể mắc phải. Nói đúng hơn, xuyên suốt quyển sách, Kantrowitz cố đào sâu vào hệ thống, những sự kiện, liên kết giữa những thành tựu và thất bại từ quá khứ với hiện trạng để đưa ra nhận xét và phân tích chúng.
Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều nhờ những ví dụ sinh động, nắm bắt và hệ thống được toàn bộ nội dung quyển sách nhờ vào sự sắp xếp khéo léo của ông. Dù vậy, đừng thất vọng vì bạn không nắm được công thức của thành công, bởi không có một công thức chung nào cho thành công; chúng ta không thể áp dụng một quy trình, một biểu thức hay lý thuyết cụ thể nào để thay đổi chính mình sau một đêm.
Do đó, bắt lấy mọi cơ hội để mơ ước và hành động, để tiến tới thành công theo cách của chính chúng ta. "Không ai đánh thuế giấc mơ, nên tôi sẽ nói 'có' với bất kỳ cơ hội nào để mơ mộng."
Nguồn doanhnhansaigon
Những cuốn sách “Kinh Tế - Kỹ Năng” hay là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những doanh nhân, nhà khởi nghiệp hay những bạn trẻ có hoài bão, khát vọng lớn. Xem tại đây