22 Nguyên Tắc Cơ Bản Của Marketing Thương Hiệu
Thời đại kỹ thuật số đang hình thành cái tạm gọi là thế hệ marketing 4.0. Tuy nhiên, thời đại này không có đột phá về chiến lược mà là tập hợp sáng tạo các giải pháp internet marketing, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, thực tế ảo (virtual reality)… và không ngừng làm thay đổi môi trường truyền thông marketing hiện đại mà chúng ta vẫn đang cập nhật hằng ngày.
Cuốn sách mà chúng ta đang cầm trên tay sẽ phân tích những luận điểm cơ bản của marketing định hướng xây dựng thương hiệu, mà tác giả gọi là brand marketing. Về cơ bản, 50% nội dung của nó mang tính kế thừa marketing truyền thống, tức hệ thống quản trị marketing kinh điển mà các tiền bối như Philip Kotler, William Pride đã dày công xây dựng được chúng tôi nâng cấp, bổ sung 50% những khác biệt mới bao gồm:
- Định nghĩa toàn diện về thương hiệu, với tư duy thương hiệu bao trùm sản phẩm và kế thừa marketing sản phẩm (product marketing), khác biệt cơ bản với marketing truyền thống vốn cho rằng thương hiệu chỉ là một bộ phận của sản phẩm, do sự nhầm lẫn hai khái niệm cơ bản là nhãn hiệu (trademark) và thương hiệu (brand).
- Mô hình quản trị toàn diện 7P Marketing tiên tiến so với 4P Marketing Mix truyền thống. Mô hình 7P giúp nâng cao vai trò và sứ mệnh marketing, từ công cụ quản trị trở thành hệ thống tư tưởng và thay đổi tư duy, giúp chúng ta nắm bắt những hình thức kinh tế mới như: kinh tế sáng tạo, kinh tế giá trị mềm, kinh tế thương hiệu. Marketing cấp độ 7P đã nâng cao vị thế của marketing, từ chức năng quản trị lên chức năng lãnh đạo, được thiết lập nhờ sự xác lập P7 – Philosophy (triết lý marketing & thương hiệu) thông qua việc tái nhận thức tư duy lãnh đạo, triết lý kinh doanh, tầm nhìn sứ mệnh và giá trị cốt lõi của thực thể thương hiệu bao trùm, hình thành vai trò lãnh đạo của thương hiệu (brand leadership), có thể đồng hành hoặc thay thế vai trò lãnh đạo của cá nhân (personal leadership).
- Hệ thống quản trị P3 & P4 kết hợp Branding (xây dựng thương hiệu) và Distribution (phân phối), giúp doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam mở rộng tầm nhìn, nhất là các lĩnh vực xuất khẩu thô như: nông nghiệp, may mặc, nguồn nhân lực, công nghệ và dịch vụ... Qua đó, Việt Nam có thể hình thành những hệ thống kinh tế bền vững hơn hướng ra thế giới.
- Hệ thống phương pháp nghiên cứu sâu về hình ảnh thương hiệu, về việc quản trị những thương hiệu lớn, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu chuyên nghiệp hàng đầu của thế giới.
- Và cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là Philosophy – tư tưởng và phương pháp tư duy marketing – giúp phân biệt Con người Kỹ thuật và Con người Marketing; giúp xây dựng Tư duy sáng tạo và Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng lãnh đạo và giải quyết tình huống.
Với cuốn sách này, chúng ta sẽ biết được cách để nâng cao vai trò và sứ mệnh của marketing, biến marketing từ một công cụ quản trị trở thành hệ thống tư tưởng và thay đổi tư duy, qua đó nắm bắt những hình thức kinh tế mới như kinh tế sáng tạo, kinh tế giá trị mềm và kinh tế thương hiệu.