Khi mọi thứ sụp đổ và chúng ta ở bên bờ vực của những điều không rõ ràng, thử thách cho mỗi chúng ta là ở nguyên đó và không cố gắng cụ thể hóa nó. Hành trình tâm linh không phải là cái gì liên quan đến thiên đàng hay đích đến là một chốn bình an thật sự.
Sách "Khi Mọi Thứ Sụp Đổ - Lời Khuyên Chân Thành Trong Những Thời Điểm Khó Khăn". Tác giả Pema Chödrön
Chạm đến nỗi sợ
Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên để tiến gần hơn tới chân lý. Sợ hãi là một trải nghiệm phổ biến. Thậm chí loài côn trùng nhỏ nhất cũng biết sợ. Nhúng tay qua làn nước thủy triều, đưa ngón tay lại gần Khi mọi thứ sụp đổ 15 đám hải quỳ mở cánh, chúng sẽ lập tức khép lại. Mọi thứ diễn ra một cách tự phát. Sợ hãi khi đối diện với những điều chúng ta không biết chẳng phải là điều gì đáng xấu hổ. Nó chỉ là một phần của bản năng sinh tồn, tất cả chúng ta đều giống nhau. Chúng ta phản kháng với khả năng bị cô đơn, với cái chết, với việc không còn gì để có thể bám vào hay víu lấy. Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên để tiến gần hơn tới chân lý.
Một khi quyết định không rời bước dù chuyện gì xảy ra, những gì chúng ta đã kinh qua sẽ trở nên rõ ràng sống động. Mọi thứ sáng tỏ hơn khi ta không còn nơi nào để chạy trốn.
Khoảnh khắc hiện tại là người thầy hoàn hảo
Nói chung, chúng ta xem cảm giác không thoải mái dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là điều không hay. Nhưng với những người thực hành Phật Pháp hay những chiến binh tinh thần – những người khao khát muốn khám phá sự thật ở một mức độ nhất định – những cảm giác như thất vọng, xấu hổ, phiền toái, thù hằn, giận dữ, đố kỵ, và sợ hãi, thay vì được xem là xấu, lại chính là những khoảnh khắc rõ ràng chỉ cho chúng ta thấy chỗ chúng ta đang cố gắng níu giữ và bám chấp. Chúng dạy chúng ta ngẩng cao đầu và tiến sâu hơn nữa, ngay khi chúng ta có chiều hướng cảm thấy suy sụp và muốn tháo chạy.
Chúng giống như những sứ giả chỉ cho chúng ta, với sự rõ nét đáng sợ, chính xác nơi chúng ta đang mắc kẹt. Chính khoảnh khắc này là người thầy hoàn hảo nhất, và may mắn thay, nó luôn theo chúng ta đến bất cứ nơi nào.
Những sự kiện và những người chúng ta gặp trong cuộc đời mình mang đến những vấn đề không giải quyết được có thể được xem là điều tốt lành. Chúng ta không phải săn tìm gì cả. Chúng ta chẳng cần phải tạo ra những tình huống để đẩy mình tới giới hạn bản thân. Chúng sẽ tự đến, đều đặn như kim đồng hồ. Mỗi ngày, chúng ta nhận được rất nhiều cơ hội để mở lòng ra hay thu mình lại. Cơ hội quý giá nhất tự nó biểu hiện khi chúng ta ở thời điểm cảm thấy hoàn toàn bất lực trước bất cứ điều gì diễn ra. Quá sức chịu đựng. Mọi thứ đã đi quá xa.
Hầu hết chúng ta không xem những tình huống đó như những bài học. Chúng ta tự động ghét chúng, chạy loạn lên. Chúng ta sử dụng đủ cách để trốn thoát – tất cả những rối loạn tâm thần biểu hiện dưới hình thức nghiện ngập đều phát sinh từ những thời điểm như vậy, khi bản thân bị dồn vào chân tường và không thể nào chịu đựng được nữa. Chúng ta cảm thấy phải làm gì đó để dễ chịu hơn, phủ lấp nó bằng thứ gì đó khác, và rồi trở nên lệ thuộc vào bất cứ thứ gì có thể khiến cơn đau trở nên dễ chịu. Sự thật của sự bùng nổ chủ nghĩa vật chất mà chúng ta thấy trên toàn thế giới phát sinh từ chính những khoảnh khắc như vậy. Có quá nhiều cách đã được sáng tạo ra để giúp chúng ta giải khuây trốn tránh thực tại, khiến thực tại dễ chịu hơn.
Những phương pháp này cũng giúp bào mòn các góc cạnh của thực tại, giết chết nó, để chúng ta tránh được toàn bộ nỗi đau phát sinh khi chúng ta không thể điều khiển được tình huống, để nhìn chúng ta ổn hơn khi bản thân chẳng thể làm gì để thay đổi tình thế khiến mình cảm thấy ổn khi bước ra đối diện với cả thế giới ngoài kia.
Trưởng thành
Khi chúng ta ngồi xuống thiền và nhìn một cách chân thật vào tâm mình, nó lại có xu hướng trở thành một công việc chán nản và không có tương lai. Chúng ta có thể đánh mất tất cả sự tươi vui, chúng ta ngồi với quyết tâm nghiệt ngã đi đến tận cùng của mớ hỗn độn hôi thối này. Sau một thời gian, khi người ta thực hành theo cách này, họ bắt đầu cảm thấy tội lỗi và phiền muộn đến mức tuyệt vọng, rồi họ có thể tâm sự với người nào đó mà họ tin tưởng:
“Sao tôi có thấy an lạc chỗ nào đâu?” Chính vì vậy, cùng với việc nhìn rõ, một thành phần quan trọng khác là sự tử tế. Dường như rằng, nếu không sáng suốt và thành thật, chúng ta không thể tiến bộ. Chúng ta chỉ mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn. Thế nhưng thành thật mà không có tử tế sẽ khiến chúng ta thấy khắc nghiệt, và không chóng thì chầy chúng ta sẽ cảm giác chua như ăn phải chanh. Chúng ta trở nên quá trầm tư mặc tưởng và đánh mất tất cả sự hài lòng và biết ơn mà chúng ta có. Cái cảm giác phiền toái bởi chính bản thân, bởi cuộc sống, và tập tánh của tất cả những người xung quanh trở nên không thể nào chịu nổi.
Đó là lý do sự tử tế được nhấn mạnh rất nhiều. Đôi khi nó được diễn đạt như là tình yêu thương, đánh thức tình yêu thương của bạn. Thường nó được gọi là từ ái. Đôi khi nó được gọi là tính thân thiện không giới hạn. Tuy nhiên, về cơ bản, tử tế là một cách thực tế và đời thường để diễn tả thành phần quan trọng giúp cân bằng toàn bộ bức tranh và giúp chúng ta kết nối với niềm an lạc vô điều kiện. Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Khổ thôi thì chưa đủ”.
Học cách tử tế với bản thân, học cách tôn trọng mình, là một điều quan trọng. Lý do nó quan trọng là, về cơ bản, khi chúng ta nhìn thẳng vào trái tim mình, chúng ta không chỉ thấy bản thân mình, mà còn bắt đầu khám phá ra cái gì mơ hồ, cái gì sáng rõ, cái gì đắng cay, cái gì ngọt ngào. Chúng ta khám phá ra toàn bộ vũ trụ. Khi chúng ta phát hiện ra chúng ta là Phật, chúng ta cũng nhận ra rằng tất cả mọi người xung quanh đều là Phật. Chúng ta khám phá ra vạn vật đều tỉnh thức và tất cả mọi người đều tỉnh thức. Vạn vật đều quý giá, đủ đầy và tốt như nhau, tất cả mọi người đều quý giá, đủ đầy và tốt như nhau. Khi chúng ta đánh giá suy nghĩ và cảm xúc bằng sự hóm hỉnh và cởi mở, thì đó là cách mà chúng ta sẽ nhận thức về vũ trụ. Chúng ta không những nói về việc tự giải thoát bản thân, mà còn là làm cách nào để giúp đỡ cộng đồng sống xung quanh, để giúp gia đình và người thân, đất nước mình, và toàn bộ châu lục, hay đến toàn bộ địa cầu rồi dải ngân hà, tùy chúng ta muốn đi xa đến đâu.
Lý do duy nhất khiến chúng ta không mở rộng trái tim và tâm mình với những người khác là bởi họ khơi dậy sự mơ hồ trong chúng ta khiến chúng ta cảm thấy không đủ bản lĩnh và tỉnh táo để đối diện. Khi chúng ta bắt đầu nhìn một cách rõ ràng và từ bi với chính mình, chúng ta cảm thấy tự tin và không hề sợ hãi nhìn thẳng vào mắt người đối diện.
Thế rồi kinh nghiệm mở lòng với thế giới bắt đầu mang đến ích lợi cho ta và người khác một cách đồng thời. Càng thấu cảm với người khác, chúng ta càng nhanh chóng phát giác những mặt nào, khía cạnh nào ta còn đang bế tắc, chưa tử tế, sợ hãi và khép kín. Cái thấy này là hữu ích, nhưng đồng thời cũng rất đau đớn. Thông thường cách duy nhất mà chúng ta biết để phản ứng lại là dùng nó như vũ khí chống lại chính mình. Chúng ta không tử tế. Không thành thật. Chúng ta không có bản lĩnh, và cũng có thể từ bỏ ngay lúc này. Nhưng khi chúng ta áp dụng chỉ dẫn giữ mình mềm mỏng hơn, và không phán xét trước tất cả những điều bản thân đang chứng kiến tại hiện thời thì hình ảnh phản chiếu đáng xấu hổ trong gương trở thành bạn của ta.
Quan sát hình ảnh phản chiếu trở thành động lực để chúng ta mềm mỏng hơn nữa và cởi mở hơn nữa, bởi chúng ta biết rằng đó là cách duy nhất để có thể tiếp tục sống, làm việc với người khác và đem đến chút lợi lạc cho thế giới này.
Đó là bước khởi đầu cho sự trưởng thành. Chừng nào vẫn không muốn thành thật và tử tế với chính mình, chúng ta vẫn sẽ luôn là những đứa trẻ. Khi bắt đầu cố gắng chấp nhận bản thân, gánh nặng lâu đời của việc đặt mình làm trọng tâm giảm đi đáng kể. Cuối cùng cũng có chỗ cho tính hiếu kỳ đích thực và chúng ta nhận ra mình cũng khao khát về những thứ ngoài kia. Nguyện cho nội dung cuốn sách sẽ mang đến động lực để bạn lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống và khắc sâu trong mình những bài học về lòng chân thành, sự tử tế và tinh thần can đảm.
Nếu cuộc sống của bạn rối ren và căng thẳng, bạn sẽ tìm thấy nơi đây những lời khuyên cho chính mình. Nếu cuộc sống của bạn đang trải qua những chuyển biến lớn, khổ đau mất mát, hay chỉ là những quay cuồng rất đời thường, thì những bài học này là dành riêng cho bạn. Điểm mấu chốt là tất cả chúng ta đều cần được nhắc nhở và khích lệ để thư giãn trước bất cứ điều gì xảy đến và mang mọi thứ chúng ta đối mặt vào con đường tâm linh. Đưa những chỉ dẫn này vào thực hành là chúng ta đã gia nhập một dòng truyền thừa của biết bao nhiêu bậc đạo sư, thầy và trò, những người đã mang Phật Pháp vào chính những thăng trầm trong cuộc sống thường nhật của họ.
Cũng như những người đi trước đã làm bạn với bản ngã và khám phá tâm trí tuệ của mình, chúng ta cũng có thể làm được điều tương tự.
Và tựa sách Khi mọi thứ sụp đổ hy vọng sẽ giúp bạn biết thêm nhiều bài học, kinh nghiệm về để thân tâm an lạc, vững chãi trước cuộc sống.
Nguồn https://thaihabooks.com/khi-moi-thu-sup-do/
Những quyển sách hay về ”Tâm Linh - Tôn Giáo” như: kiến thức nhập môn, tư tưởng, đời sống tâm linh và các sách phật giáo, kinh thánh, thần giáo, văn hóa tín ngưỡng,… được tuyển chọn kỹ sẽ trang bị cho bạn kiến thức và nhận thức đúng đắn. Xem tại đây
Theo Nghĩa Phạm (Thái Hà Books)